Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Tôi hiện nay đang công tác tại Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Trà Vinh. Đơn vị tôi đang tổ chức thực hiện gói thầu bảo trì 01 trạm cấp nước, nguồn vốn thực hiện từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Giá trị hợp đồng là 480 triệu đồng.

Trong quá trình thi công các bên xác định công trình không thể đóng cừ tràm được nên sẽ phát giảm, không thanh toán giá trị phần cừ tràm khoảng 100 triệu đồng.

Cho tôi hỏi, vậy đơn vị có được sử dụng nguồn kinh phí phát giảm khối lượng không đóng cừ tràm (100 triệu đồng) để lập thủ tục phát sinh tăng khối lượng các công việc ngoài hợp đồng không? Nếu được thì quy trình thực hiện như thế nào? 

18/07/2025
Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Đấu thầu năm 2023, hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả thương thảo hợp đồng (nếu có), quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt (nếu có) và giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật Đấu thầu, nội dung sửa đổi hợp đồng có thể bao gồm: khối lượng, tiến độ, giá, áp dụng tùy chọn mua thêm và các nội dung khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này. Đối với việc sửa đổi về tiến độ, khối lượng, giá chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện gói thầu ghi trong hợp đồng, trừ trường hợp áp dụng tùy chọn mua thêm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng về quy trình, thủ tục sửa đổi hợp đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 70 của Luật Đấu thầu trong các trường hợp sau đây: a) Khi có sự thay đổi về chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng; b) Sự kiện bất khả kháng; c) Thay đổi phương thức vận chuyển, địa điểm giao hàng, dịch vụ liên quan đối với gói thầu mua sắm hàng hóa;  d) Bổ sung khối lượng, số lượng công việc thuộc tùy chọn mua thêm ngoài khối lượng, số lượng nêu trong hợp đồng; đ) Thay đổi về thiết kế được duyệt; e) Một hoặc các bên đề xuất các sáng kiến, cải tiến thực hiện hợp đồng mang lại lợi ích cao hơn cho chủ đầu tư; g) Thay đổi tiến độ hợp đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 70 của Luật Đấu thầu; h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên, bao gồm khối lượng, giá và các nội dung khác.

Theo đó, việc ký kết và sửa đổi hợp đồng tuân thủ quy định nêu trên. Ngoài ra, việc quản lý chi phí xây dựng tuân thủ quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. 

Gửi phản hồi: