Thị trường trái phiếu Việt Nam bắt đầu được xác lập từ những năm 1990 với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 120-CP ngày 17/9/1994 “Quy chế tạm thời về việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước”. Nhưng phải đến năm 2000, khi Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động thì thị trường trái phiếu mới chính thức hình thành. Những năm gần đây, thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, hiệu quả cho các chủ thể trong nền kinh tế. Với quy mô thị trường đạt khoảng trên 40% GDP, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng ... Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lớn, tăng trưởng nhanh, năm 2021 lên tới khoảng 400 doanh nghiệp phát hành với giá trị trên 600 nghìn tỷ đồng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như việc xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp không mấy tên tuổi nhưng đã phát hành thành công nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói là phần lớn các trái phiếu do nhóm doanh nghiệp này phát hành đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, nhưng lại khá mơ hồ thông tin về tình hình sử dụng vốn từ trái phiếu đã phát hành v.v...
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021 về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Thanh tra Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng “Một số nội dung và phương pháp thanh tra về việc phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán” .
Hy vọng trong thời gian tới cùng với các đơn vị trong ngành Tài chính, công tác thanh tra tài chính sẽ góp phần tích cực kiểm soát rủi ro, xây dựng một thị trường trái phiếu doanh nghiệp tích cực, luôn là kênh dẫn vốn quan trọng nhưng an toàn, minh bạch và hiệu quả đáp ứng kỳ vọng của toàn xã hội./.
Phạm Anh Tuấn