Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết hiện tại cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thời kỳ dịch bệnh Covid19 và đáp ứng phục vụ công việc nghiệp vụ, triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Thanh tra Bộ Tài chính là đơn vị đầu tiên thuộc Bộ Tài chính đề xuất đẩy mạnh ứng dụng CNTT toàn diện ở tất cả các lĩnh vực quản lý nghiệp vụ của Thanh tra Bộ với xu hướng xây dựng các phần mềm quản lý tập trung, thống nhất trong toàn ngành, liên kết với các phần mềm tác nghiệp của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ để thu thập số liệu, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất.
Đối với công tác thanh tra, giám sát đối tượng thanh tra và quản lý các hoạt động của đoàn thanh tra
Trong giai đoạn vừa qua, Thanh tra Bộ Tài chính đã phối hợp với Cục Kế hoạch Tài chính thực hiện triển khai xây dựng “Cơ sở dữ liệu Thanh tra Tài chính” giai đoạn 1. Đến thời điểm hiện nay, hệ thống đã được vận hành chính thức trên máy chủ của Bộ Tài chính và đã được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cấp độ 3 tại Quyết định số 88/QĐ-THTK ngày 10/11/2021của Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Thanh tra Bộ trình Bộ đề xuất xây dựng chủ trương đầu tư dự án Xây dựng CSDL Thanh tra Tài chính giai đoạn 2.
Trên cơ sở kết quả kết quả thực hiện triển khai xây dựng “Cơ sở dữ liệu Thanh tra Tài chính” trong Giai đoạn 1, Dự án Xây dựng hệ thống CSDL Thanh tra tài chính Giai đoạn 2 cần triển khai tiếp để thực hiện việc kết nối vào các hệ thống của các đơn vị Tổng cục và các Cục/Vụ thuộc Bộ liên quan nhằm thu thập thông tin dữ liệu cần thiết cho việc tổng hợp, phân tích, đánh giá rủi ro để tăng cường thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn, đồng thời nắm bắt tình hình đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, kiểm tra:
- Xây dựng hệ thống CSDL Thanh tra tài chính Giai đoạn 2 dựa trên việc thu thập thông tin từ các hệ thống, kho dữ liệu hiện có đang triển khai tại Bộ Tài chính như: Cơ sở dữ liệu ngân sách của Bộ Tài chính (KHONS); Kho bạc Nhà nước (TABMIS), các hệ thống nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Cơ sở dữ liệu về giá của Bộ Tài chính, Cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung.....và nguồn dữ liệu khai thác bên ngoài được cán bộ làm công tác thanh tra cập nhật vào hệ thống.
- Sau khi xây dựng các chức năng phục vụ việc kết nối hệ thống và thu thập dữ liệu, sẽ thực hiện xây dựng các phân hệ chức năng phục vụ việc phân tích dữ liệu, đánh giá rủi ro cho từng mảng nghiệp vụ đặc thù của thanh tra. Trên cơ sở đó xác định các đối tượng thanh tra, xây dựng kế hoạch và phương án thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao của Thanh tra Bộ Tài chính.
- Thực hiện triển khai kết nối hệ thống Cơ sở dữ liệu Thanh tra với các hệ thống liên quan của các đơn vị Tổng cục và các Cục/Vụ thuộc Bộ.
- Hệ thống được triển khai cho Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm.
Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh
Theo Quyết định số 2088/QĐ - BTC ngày 16/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Tài chính là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý thống nhất, toàn diện công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Thanh tra Bộ có trách nhiệm tổng hợp số liệu toàn ngành báo cáo Thanh tra Chính phủ theo các quy định hiện hành. Tổng cục trưởng và tương đương (gọi tắt là Tổng cục trưởng)/Cục trưởng các Cục thuộc Bộ và tương đương (gọi tắt là Cục)/Cục thuộc Bộ Tài chính giao quản lý công tác giải quyết KNTC của công dân cho Vụ Kiểm tra nội bộ hoặc Vụ Thanh tra, kiểm tra.
Từ đó, Thanh tra Bộ đề xuất Bộ Tài chính cần xây dựng một phần mềm quản lý tập trung của ngành Tài chính riêng và độc lập với Hệ thống phần mềm của Thanh tra Chính phủ, các nội dung báo cáo sẽ thực hiện đồng bộ sang phần mềm của Thanh tra Chính phủ theo hình thức kết nối mức hệ thống truyền nhận.
Xây dựng và triển khai hệ thống CSDL về khiếu nại tố cáo ngành Tài chính về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng các mục tiêu chính sau:
- Triển khai cho các Cục, Vụ liên quan trong Bộ Tài chính, các Tổng cục và các đơn vị trực thuộc chưa có hệ thống quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo sử dụng.
- Thống nhất quản lý, khử trùng lặp đơn thư, tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của các đơn vị, báo cáo tình hình đầy đủ, chính xác và kịp thời để tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên phạm vi ngành Tài chính.
- Tạo thành hồ sơ vụ việc duy nhất: mỗi vụ việc từ cấp Chi cục, Cục, Tổng cục, Bộ đều được lưu thống nhất thành hồ sơ vụ việc điện tử duy nhất.
- Thống nhất cách xử lý đơn trên toàn bộ hệ thống: triển khai phần mềm sẽ giúp cho tình trạng giải quyết đơn thư được thống nhất, minh bạch và rõ ràng.
- Chuyển đổi toàn bộ dữ liệu trên phần mềm đang hoạt động của Thanh tra Bộ Tài chính sang hệ thống phần mềm mới.
- Cung cấp thêm kênh thông tin cho phép người dân, tổ chức có thể theo dõi tình trạng giải quyết đơn thư của chính mình trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
- Hệ thống dự kiến triển khai cho các đơn vị: Thanh tra Bộ Tài chính; Thanh tra Tổng cục Thuế, Thanh tra Cục Thuế, Thanh tra Chi Cục Thuế; Thanh tra Tổng cục Hải quan, Thanh tra Cục Hải quan, Thanh tra Chi cục Hải quan; Thanh tra Kho bạc Nhà nước, KBNN tại Tỉnh/Thành phố, KBNN tại Quận/Huyện; Thanh tra UBCKNN; Thanh tra Tổng Cục DTNN.
Đối với công tác phòng, chống tham những và tiết kiếm, chống lãng phí
Căn cứ Luật số 44/2013/QH13 ngày 26/11/2013 về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội, trong đó Điều 68 quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính:
- Giúp Chính phủ thống nhất triển khai, hướng dẫn các quy định của Luật này; tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn; triển khai thực hiện, kiểm tra và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chung trong phạm vi cả nước trình Chính phủ.
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc chấp hành, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý; tổ chức triển khai công tác kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định.
Căn cứ Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 8/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Thông tư hướng dẫn số 188/2014/TT-BTC ngày 10/12/2014 của Bộ Tài chính, việc triển khai Xây dựng CSDL Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí là rất cần thiết để Thanh tra Bộ hoàn thành nhiệm vụ tổng hợp báo cáo kịp thời tới Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương... Việc xây dựng CSDL Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn giúp các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan thực hiện báo cáo nhanh chóng và kịp thời về Thanh tra Bộ; Giúp Thanh tra Bộ Tài chính nhanh chóng khai thác và tổng hợp dữ liệu theo mẫu biểu để báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương.…
Đối với công tác phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Tài chính hiện đang sử dụng phần mềm Hệ thống báo cáo của Thanh tra Chính phủ triển khai. Đối với công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Thanh tra Bộ đề xuất xây dựng CSDL Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí với các nội dung như sau:
- Số hóa lưu trữ báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các đơn vị gửi, phục vụ tổng hợp dữ liệu báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các đơn vị theo năm (10 năm gần đây từ 2011 đến 2021).
- Tạo lập CSDL về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí của các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước; Giúp Thanh tra Bộ chiết xuất báo cáo nhanh chóng theo mẫu biểu để báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương…
- Hệ thống dự kiến triển khai cho các đối tượng thuộc phạm vi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong cả nước theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí như: Bộ Tài chính; các Bộ ngành, địa phương; các DNNN....)./.
Vũ Hậu