Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã quán triệt, thực hiện xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2022 đảm bảo bám sát định hướng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ; gắn liền với nhiệm vụ, yêu cầu quản lý của Bộ, của ngành tập trung vào đơn vị có rủi ro cao. Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương hoàn thiện và lưu hành kết luận thanh tra, kiểm tra của các cuộc thanh tra đã thực hiện; tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ đồng thời yêu cầu việc xây dựng đề cương, kế hoạch và triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2022, nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quản lý của ngành, phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Tài chính.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành do có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ đột xuất được giao nên chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được nâng cao, kiến nghị đề xuất mang tính thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách của Bộ Tài chính cũng như công tác quản lý tài chính của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra. Cụ thể:
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 7 cuộc thanh tra hành chính (trong đó có 5 cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, 2 cuộc thanh tra đột xuất); lưu hành 2 Kết luận thanh tra tại 2 đơn vị.
Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên 76,3 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị nộp NSNN trên 35 tỷ đồng; giảm trừ dự toán, quyết toán kinh phí, không thanh toán 208 triệu đồng; giảm lỗ trên 41 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện kiến nghị nộp NSNN trên 6,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành.
Theo đó, trong 9 tháng qua, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 981 cuộc kiểm tra nội bộ, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính trên 26 tỷ đồng. Đồng thời, qua thanh tra đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 101 tổ chức và 540 cá nhân, trong đó đã xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm 495 người, cách chức 1 người.
Trong công tác thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành trực thuộc đã thực hiện 54.209 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 644.011 hồ sơ khai thuế tại cơ quan Thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 8.718 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính trên 45.431 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính trên 3.007,6 tỷ đồng; các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện kiến nghị số tiền trên 7.730,8 tỷ đồng.
Riêng Thanh tra Bộ Tài chính trong 9 tháng qua đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 25 cuộc theo kế hoạch và 12 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã lưu hành 08 kết luận thanh tra và báo cáo 07 cuộc kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 490.867 triệu đồng, trong đó: Kiến nghị nộp NSNN 103.179 triệu đồng; giảm trừ dự toán, quyết toán kinh phí, không thanh toán 25.470 triệu đồng; giảm lỗ 41.035 triệu đồng; kiến nghị khác 321.184 triệu đồng. Các đơn vị đã thực hiện kiến nghị nộp NSNN là 165.108 triệu đồng (trong đó: Các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành 158.764 triệu đồng, các cuộc thanh tra hành chính 6.344 triệu đồng).
Qua công tác thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành 51 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, kế toán, kiểm toán với số tiền trên 1,4 tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực hiện nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) số tiền trên 159,7 tỷ đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đã giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, ngân sách tại các đơn vị, đồng thời kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế./.
Mạnh Hùng