Sự cần thiết phải tiến hành thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính

Sự cần thiết phải tiến hành thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính 21/11/2022 10:27:00 912

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Sự cần thiết phải tiến hành thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính

21/11/2022 10:27:00

              Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực với số lượng cán bộ, công chức lớn, nhiều đơn vị có hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương như Thuế, Hải quan, Kho bạc, Dự trữ... Trong đó, Thanh tra Bộ Tài chính là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý thống nhất, toàn diện công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Thời gian qua, Bộ Tài chính luôn coi trọng, quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra; hệ thống các cơ quan Thanh tra chuyên ngành Tài chính thống nhất, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tài chính; theo đó, hệ thống thanh tra tài chính được tổ chức từ Trung ương đến địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) đã tạo thuận lợi cho việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra được thông suốt, thống nhất, hiệu quả, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Ngân sách Nhà nước. Hoạt động thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính hầu hết thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt; các cuộc thanh tra được thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định tại Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Kết quả từ năm 2010 đến tháng 9 năm 2022 Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 542 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 51.064 tỷ đồng (trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp 20.322 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 30.743 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp NSNN 15.447 tỷ đồng. Đồng thời, có nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.

Hiện nay, bên cạnh chức năng thanh tra hành chính, Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường xây dựng kế hoạch, tập chung thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để đáp ứng đầy đủ, kịp thời chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính đã được quy định tại các Luật như:

- Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính tại khoản 7, Điều 26: "7. Thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm về chế độ quản lý tài chính - ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, các địa phương, các tổ chức kinh tế, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và các đối tượng khác có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước và sử dụng ngân sách nhà nước."

- Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính tại khoản 7, Điều 15: "7. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về tài sản công, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật và phân công của Chính phủ."

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính tại Điều 15 và Điều 19: "Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

d) Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan;

Điều 19. Quyền hạn của cơ quan quản lý thuế

3. Kiểm tra thuế, thanh tra thuế theo quy định của pháp luật."

Đối với Bộ Tài chính thì việc thanh tra công tác quản lý ngân sách đối với các Bộ, ngành, địa phương chỉ có Thanh tra Bộ mới thực hiện được, thanh tra Thuế chỉ thanh tra công tác thu, nộp thuế nội địa; thanh tra Kho bạc Nhà nước chỉ thanh tra công tác chi NSNN; thanh tra Hải quan chỉ thanh tra công tác thu, nộp thuế xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011 của Quốc hội quy định về trình tự khiếu nại tại khoản 1, Điều 7, “Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Như vậy, đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra do Tổng cục quyết định mà có khiếu nại thì Tổng cục thực hiện giải quyết lần đầu; Bộ trưởng Bộ Tài chính (Thanh tra Bộ Tài chính chủ trì, tham mưu) thực hiện giải quyết lần hai. Với sự phức tạp, yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn chuyên sâu để giải quyết khiếu nại lần hai, Thanh tra Bộ Tài chính cần phải nắm rõ quy trình, quy định từng lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Tài chính. Do đó, để công tác giải quyết, xử lý đơn, thư của Bộ Tài chính có chất lượng thì việc Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ là cần thiết./.

Nam Thắng

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%