Ngày 30/9/2022, tại Vĩnh Phúc, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ”. Đồng chí Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường và Cục trưởng cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Trương Hùng Long đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo, cán bộ các phòng chức năng của hai đơn vị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đặng Ngọc Tuyến - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, thực hiện quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ Tài chính về cơ chế thanh tra, giám sát, từ năm 2017 đến nay hai đơn vị đều tiến hành sơ kết, trao đổi kinh nghiệm liên quan tới lĩnh vực quản lý nợ công. “Qua những lần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã giúp rất nhiều cho công tác quản lý nợ công của Bộ Tài chính nói chung và công tác thanh tra tài chính, quản lý nợ của Cục Quản lý nợ ngày một tốt hơn. Do đó hàng năm, giữa Thanh tra Bộ và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đều tiến hành trao đổi kinh nghiệm, sơ kết công tác phối hợp quản lý, giám sát nợ công. Trong chương trình công tác lần này chúng ta trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Đây là nội dung rất quan trọng. Ngoài ra, Thanh tra Bộ tuy không quản lý lĩnh vực nợ công nhưng Thanh tra Bộ Tài chính có góc nhìn và đánh giá khách quan giúp cho việc quản lý tốt hơn” ông Đặng Ngọc Tuyến mong muốn Hội nghị sẽ nhận được chia sẻ đóng góp của các đại biểu nhằm nắm bắt được các bước công việc của quá trình kiểm tra, giám sát các khoản nợ công và quá trình phối hợp giữa hai đơn vị.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính phát biểu tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Trương Hùng Long cho biết, từ năm 2017 căn cứ Quyết định số 944/QĐ-BTC ngày 11/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thanh tra, giám sát trong lĩnh vực nợ công và Biên bản ghi nhớ về phối hợp công tác giữa Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại và Thanh tra Bộ Tài chính về tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực quản lý nợ công. Đối tượng kiểm tra, giám sát: Chủ yếu tập trung vào các dự án phát sinh vướng mắc như phát sinh nợ quá hạn, chậm tiến độ giải ngân, tăng tổng mức đầu tư, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, vướng mắc trong chuyển đổi chủ đầu tư, nhận nợ… Trên cơ sở đó, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại kiến nghị đề xuất, việc chia sẻ thông tin về thanh tra, giám sát nợ công sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong đó các cuộc trao đổi theo chuyên đề hoặc tập huấn chuyên môn giữa hai đơn vị sẽ được tổ chức thường xuyên hơn; Thanh tra Bộ Tài chính hỗ trợ xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chuẩn mực để áp dụng tại Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, nếu thực hiện tốt có thể nâng lên thành quy trình để áp dụng chung cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng được nghe hai Chuyên đề do cán bộ Thanh tra Bộ Tài chính và cán bộ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trao đổi chia sẻ với nội dung: Những điểm mới trong quy định về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; kinh nghiệm của Thanh tra Bộ Tài chính trong thanh tra, kiểm tra các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Tại Hội nghị, nhiều tham luận từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng: Những nội dung được chia sẻ tại Hội nghị thực sự cần thiết trong công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực quản lý nợ công. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng trao đổi, đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa giữa hai đơn vị trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội nghị
Kết luận Hội nghị, đồng chí Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường cho rằng, trên cơ sở tham luận tại Hội nghị, sự phối, kết hợp giữa hai đơn vị là rất cần thiết. Đặc biệt, qua ý kiến phát biểu, tham luận của Lãnh đạo hai đơn vị, các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ góp phần tăng cường tính chuyên
nghiệp, linh hoạt trong hoạt động thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vốn vay nước ngoài. Qua đó hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để kiểm soát toàn diện rủi ro và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn./.
Xuân Thúy