Chiều ngày 12/5/2023, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, trong lĩnh vực nợ công giai đoạn 2017-2022. Tham dự Hội nghị có các Lãnh đạo thanh tra và đại diện các Phòng chức năng thuộc Thanh tra Bộ Tài chính; các Lãnh đạo và đại diện các Phòng chức năng thuộc Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại; Đại diện Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Toàn cảnh hội nghị
Đánh giá chung về kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa 02 đơn vị
Nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức, vay ưu đãi nước ngoài, vay nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là một trong những nguồn vốn quan trọng của nhà nước, được sử dụng để thực hiện các mục tiêu ưu tiên của quốc gia trong từng thời kỳ nhằm phát triển kinh tế xã hội. Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, năng lượng, môi trường... đã hoàn thành, được đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực hiện Quy chế phối hợp theo Quyết định số 644/QĐ-BTC ngày 11/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính về thanh tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý nợ công và Quyết định số 413/QĐ-BTC ngày 22/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Thanh tra Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp với Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý nợ công. Công tác phối hợp giữa Thanh tra Bộ Tài chính và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã từng bước được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng, hiệu quả, thể hiện qua một số điểm như:
- Công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát được phối hợp thường xuyên. Thông tin về quản lý nợ công, các chương trình, dự án rủi ro cao đã được Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ động cung cấp để Thanh tra Bộ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm và đột xuất theo chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý nợ công của Bộ Tài chính.
- Số lượng các chương trình, dự án được thanh tra, kiểm tra, giám sát tăng theo từng năm qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng và trả nợ vay nước ngoài của các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ dự án, chủ đầu tư.
- Việc chia sẻ thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh được Thanh tra Bộ chủ động cung cấp ngay sau khi ban hành Kết luận Thanh tra kịp thời phục vụ cho công tác quản lý, giám sát của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại
- Công tác tổ chức tập huấn, hội thảo nâng cao chất lượng quản lý, giám sát nợ công theo hình thức chuyên đề, tập huấn chuyên môn đã được tổ chức hàng năm. Nội dung tập huấn, trao đổi đã góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ của 02 đơn vị.
Từ năm 2017 – 2022, Thanh tra Bộ đã triển khai thanh tra 06 dự án và kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đối với 09 chương trình, dự án trên cơ sở hồ sơ, thông tin được cung cấp từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại. Đối với công tác phối hợp kiểm tra, giám sát đã cử 50 lượt cán bộ, công chức tham gia 40 Đoàn kiểm tra, giám sát do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì đồng thời đã kết hợp với Cục Quản lý nợ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam tổ chức thành công 05 đợt tập huấn, trao đổi kinh nghiệm.
Qua công tác thanh tra của Thanh tra Bộ đối với các dự án vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức, vay ưu đãi nước ngoài, vay nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh ngoài các nguyên nhân khách quan như: quy mô lớn, nhu cầu vốn lớn, việc đầu tư thường kéo dài, phức tạp với hàng nghìn hạng mục; cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh, khi có vướng mắc thì chưa có cơ chế tháo gỡ…thì còn liên quan đến những tồn tại, sai phạm mà nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan chủ quản, chủ đầu tư.

Đại diện Lãnh đạo Thanh tra Bộ và Cục Quản lý nợ & Tài chính đối ngoại ký kết chương trình hành động giai đoạn 2023-2028
Một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trong việc quản lý nợ công
Để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vay hỗ trợ phát triển chính thức, vay ưu đãi nước ngoài, vay nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và qua thực tế hoạt động thanh tra tại các dự án sử dụng nợ công giai đoạn 2017-2022 của Thanh tra Bộ Tài chính. Thanh tra Bộ đã tổng hợp những dạng sai phạm cụ thể trong công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, vốn vay Chính phủ bảo lãnh và cũng đề xuất một số giải pháp để nâng cao hoạt động quản lý, giám sát và việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này, cụ thể như sau:
* Đối với các cơ quan quản lý nhà nước:
- Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí lựa chọn các dự án, tiêu chí đánh giá hiệu quả các dự án sử dụng vay hỗ trợ phát triển chính thức, vay ưu đãi nước ngoài, vay nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, tạo cơ sở để bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch trong ký kết hiệp định, bảo đảm quyền lợi của phía Việt Nam trong tiếp nhận nguồn vốn; kiên quyết loại bỏ các dự án không thực sự cấp bách, không phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế và khả năng trả nợ.
- Quản lý và sử dụng các nguồn vốn này gắn với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các văn bản pháp luật liên quan. Huy động vốn vay phải được kế hoạch hóa, gắn kết đồng bộ với Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
- Xây dựng chiến lược và kế hoạch trong từng giai đoạn cụ thể về huy động, sử dụng vốn vay nước ngoài phù hợp với điều kiện nguồn vốn, mức độ ưu đãi của các nguồn vốn các nhà tài trợ để tập trung nguồn lực đầu tư cho những lĩnh vực có tính đột phá, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, nâng cao năng lực quản lý nợ cũng như hiệu quả phân bổ, sử dụng các nguồn vốn vay gắn liền với việc tăng thu ngân sách bền vững đi đôi với tiết kiệm chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách địa phương, nợ và vay nợ của chính quyền địa phương.
- Tăng cường công tác đào tạo cập nhật kiến thức và khuyến khích đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày một cao của công việc. Định kỳ tổ chức các khóa, lớp tập huấn hoặc cập nhật kiến thức ngắn hạn nhằm trang bị cho nhân sự những kiến thức, vấn đề, sự thay đổi trong chính sách về chuyên môn nghiệp vụ quản lý, giám sát nợ vay nước ngoài.
- Phối hợp, cung cấp thông tin, tình hình quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn vay Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các Chương trình, Dự án giúp nâng cao công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vừa tránh chồng chéo, trùng lắp đồng thời góp phần phát hiện sớm để ngăn chặn kịp thời những sai phạm có thể xẩy ra và hạn chế tối đa rủi ro.

Đại diện các đơn vị tham gia Lễ ký kết
* Đối với trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý cho vay lại:
- Nâng cao chất lượng phân tích và thẩm định năng lực khách hàng vay vốn, lấy năng lực khách hàng làm chỉ tiêu cơ bản quan trọng trong thẩm định dự án cho vay đối với các chương trình/dự án cho vay lại theo ủy quyền của Bộ Tài chính. Kết hợp việc thẩm định năng lực khách hàng trên cơ sở thẩm định thực tế tại đơn vị chủ dự án thông qua cách khảo sát thực địa và thu thập thông tin từ các nguồn thông tin khác đảm bảo thẩm định, đánh giá đầy đủ, trung thực năng lực khách hàng và khả năng thực hiện dự án đối với các khoản vay lại.
- Kiểm soát chặt chẽ quá trình giải ngân; chấp hành nghiêm chỉnh và đầy đủ mọi quy định, mọi thủ tục trước khi giải ngân.
- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát sau giải ngân; nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu cụ thể cho từng loại dự án, từng ngành nghề như: sự chính xác giữa số liệu giải ngân với khối lượng thực hiện, quy mô của dự án; sự phù hợp giữa số liệu giải ngân với tiến độ thực hiện của dự án; Sự phù hợp giữa tiến độ giải ngân nguồn vốn vay so với số vốn đối ứng thực hiện dự án....
- Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong công tác thu hồi nợ vay. Trong hoạt động thu nợ, cần phải kiểm tra báo cáo tài chính của dự án đầu tư một cách nhất quán, lấy các chỉ số của báo cáo tài chính của dự án để thực hiện việc đôn đốc và thu nợ cho ngân hàng.
- Chú trọng việc phân loại nợ như là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động quản lý rủi ro, thực hiện nghiêm túc theo các tiêu chí phân loại đã quy định làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ rủi ro và khả năng tổn thất của từng khoản nợ quá hạn một cách rõ nhất, từ đó giúp cho cơ quan cho vay lại có thể phân loại và báo cáo cấp có thẩm quyền xây dựng và áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đối với ngân sách Nhà nước.
- Thực hiện chế độ báo cáo, thông tin kịp thời đối với các khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý hợp đồng cho vay lại về Bộ Tài chính; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và dự báo rủi ro báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời./.
Phạm Tất Thành