Với tinh thần“Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” ngay từ đầu năm 2023, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các Bộ, ngành, địa phương bám sát Định hướng và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời căn cứ tình hình thực tế và khả năng thực hiện nhiệm vụ để xây dựng và triển khai các đoàn thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất. Định hướng nội dung thanh tra bảo đảm phù hợp với bối cảnh, tình hình; bám sát, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành, đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 99.021 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó, Thanh tra hành chính: Toàn ngành tiến hành 4.224 cuộc thanh tra hành chính; Thanh tra chuyên ngành: Lực lượng thanh tra chuyên ngành tiến hành 94.797 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của 199.335 tổ chức, cá nhân.
Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 179.006 tỷ đồng, 404 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 148.206 tỷ đồng và 9 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 30.800 tỷ đồng, 395 ha đất; ban hành 60.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.873 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 784 tập thể và 2.912 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 212 vụ, 316 đối tượng.
Kết quả trên cho thấy một số Bộ, ngành, địa phương triển khai thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả như: Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Kiên Giang, Lào Cai, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hà Nội, Bình Thuận, Đà Nằng...Ngoài ra, công tác giám sát, thẩm định và xử lý về thanh tra: Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.030 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 2.099 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 592 tỷ đồng, 4 ha đất; xử lý hành chính 892 tổ chức, 2.818 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 163 vụ, 114 đối tượng; khởi tố 4 vụ, 5 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 98 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra.
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đồng thời thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao. Tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục công dân trở về địa phương, đảm bảo các hoạt động tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương diễn ra thường xuyên, liên tục, kịp thời xử lý các tình huống phức tạp phát sinh. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện đông người tại các cơ quan Trung ương; nắm tình hình công dân khiếu kiện, nhất là các địa phương có đoàn đông người, có vụ việc khiếu kiện phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng”. Ban hành kế hoạch phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước.
Kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan hành chính tiếp nhận 216.833 đơn các loại (bao gồm: đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh); đã xử lý 205.382 đơn, có 177.618 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 81,9% tổng số đơn đã xử lý; qua xử lý có 25.214 đơn khiếu nại, 10.930 đơn tố cáo, 141.474 đơn kiến nghị, phản ánh; có 11.348 vụ việc khiếu nại, 3.829 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. So với năm 2022, số đơn các loại tăng 16,1%, đơn khiếu nại tăng 11,6%, đơn tố cáo tăng 20,4%, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền tăng 8,6%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 16,4%.
Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 4,4 tỷ đồng, 14,1 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 432,7 tỷ đồng, 20,4 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 25 tổ chức, 307 cá nhân; kiến nghị xử lý 249 người (trong đó có 216 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 19 vụ, 12 đối tượng (có 6 cán bộ, công chức).
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, Ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Kết quả, về xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn: Các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành 8.174 văn bản; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.087 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 2.418 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 127 vụ việc vi phạm, 207 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 698,1 tỷ đồng.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng: Trong kỳ báo cáo có 27 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 18 người. Về Phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng: Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 49 vụ việc, 72 người; trong đó: Qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 7 vụ, 14 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 26 vụ, 45 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 13 người liên quan đến tham nhũng.
Trong công tác xây dựng thể chế, Thanh tra Chính phủ tập trung triển khai xây dựng các đề án, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của chính phủ và Kế hoạch xây dựng thể chế năm 2023 của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, triển khai Kế hoạch thi hành Luật Thanh tra 2022, Kế hoạch xây dựng thể chế và các kế hoạch của Thanh tra Chính phủ. Hoàn thành việc lấy ý kiến của các Bộ, ngành; lấy ý kiến thành viên Chính phủ và trình Chính phủ 02 dự thảo Nghị định: (1) Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tổng cục, cục, Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; (2) Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
Kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và
phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các Bộ, ngành, địa phương bám sát Định hướng và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, luôn nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra; tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; chú trọng công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
Qua đó, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nội dung chỉ đạo về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, nhất là đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ. Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của công chức Thanh tra Chính phủ trong hoạt động thanh tra, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm vẫn còn tồn tại, hạn chế như vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra ; việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại Kết luận thanh tra còn chậm. Việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ theo quy định; công tác phân loại, xử lý đơn ở một số địa phương, đơn vị, nhất là cấp cơ sở còn có sai sót; việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo còn chậm, có trường hợp chưa đúng trình tự, thủ tục. Một số công việc theo kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng triển khai còn chậm; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.
Phương hướng thực hiện công tác 6 tháng cuối năm 2023
Để góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần“Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đối mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” toàn ngành Thanh tra tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2023 và các cuộc thanh tra đột xuất được giao; đẩy nhanh tiến độ ban hành kết luận thanh tra; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng liên quan đến hoạt động thanh tra.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương; phối hợp chặt chẽ với địa phương tạo sự thống nhất trong quá trình xem xét, giải quyết, nhất là đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp; đồng thời, nắm tình hình khiếu kiện của công dân, đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự tại Thủ đô Hà Nội, đặc biệt trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ lễ, sự kiện chính trị. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ.
Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tăng cường theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước và từng Bộ, ngành, địa phương; xây dựng bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng đối với các Bộ, ngành, địa phương; mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai xây dựng các Đề án, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/202 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó: Tiếp tục thực hiện Kế hoạch xây dựng thể chế cùng các kế hoạch về theo dõi thi hành pháp luật; rà soát và pháp điển hóa; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của Thanh tra Chính phủ. Trình Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai thực hiện 03 Nghị định và tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan Thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo khoản 3, Điều 112, Luật Thanh tra năm 2022./.
Nguyễn Thanh Bình