Ngày 15/11/2023 Viện Chiến lược, chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đối với Đề tài khoa học “Giải pháp tăng cường THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công” do đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính làm Chủ nhiệm đề tài. Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp Bộ năm 2022 đối với Đề tài gồm 07 thành viên, do Tiến sĩ Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch Phụ trách, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia làm Chủ tịch Hội đồng, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính là cơ quan Thường trực giúp Chính phủ triển khai công tác THTK, CLP, tham mưu ban hành Chương trình tổng thể về THTK, CLP và Báo cáo kết quả THTK, CLP trên phạm vi cả nước. Trong những năm qua, báo cáo kết quả THTK, CLP hàng năm được cử tri cả nước quan tâm, các Đại biểu Quốc hội thảo luận Tổ, thảo luận hội trường, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá cao và Quốc hội thông qua các Nghị quyết kỳ họp. Công tác THTK,CLP thời gian qua đã có nhiều chuyển biến quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức, trách nhiệm về THTK, CLP của các Bộ, ngành, địa phương được nâng lên, nhất là sau khi Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTKCLP. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác THTK, CLP trong quản lý sử dụng tài sản công vẫn còn tồn tại như: sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ tại một số đơn vị chưa hiệu quả, sử dụng sai mục đích, lãng phí;.. nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng trên và tìm ra phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công trong thời gian tới. Đánh giá thực trạng công tác THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công ở Việt Nam giai đoạn 2016-2021 như: hệ thống chính sách, pháp luật; kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế tồn tại và nguyên nhân trong công tác THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công. Qua kết quả nghiên cứu, tổng hợp phân tích nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công; hoàn thiện, sửa đổi Luật THTK, CLP và các văn bản pháp luật liên quan về quản lý, sử dụng tài sản công. Ngoài ra, qua kết quả nghiên cứu nhằm hệ thống hóa, cập nhật thông tin về công tác THTK, CLP nói chung và THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công nói riêng từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm về THTK, CLP. Thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài, TS. Đỗ Đức Kiên, Thư ký khoa học Đề tài đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu Đề tài.
Nhóm nghiên cứu cũng là tập hợp của nhiều thành viên từ các cơ quan, đơn vị khác nhau (Thanh tra Bộ Tài chính, Cục Quản lý Công sản, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch) đã nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu, khảo cứu nhiều tài liệu để hoàn thiện kết quả Đề tài. Thông qua các chuyên đề nghiên cứu, các hoạt động khảo sát của nhóm nghiên cứu, đề tài đã đạt được các mục tiêu đề ra là: (i) Xác định được hệ thống các quan điểm, mục tiêu của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp luật của Nhà nước ta về thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công; (ii) Chỉ ra được nhu cầu thực tế và những thách thức cơ bản ở khía cạnh pháp lý cần phải giải quyết trong quản lý, sử dụng tài sản công; (iii) Chỉ ra được nguyên nhân, bản chất và những tác động tiêu cực của các rào cản pháp lý, những mâu thuẫn, bất cập, khoảng trống pháp lý đối với trong hoạt động quản lý tài sản công hiện nay (iv) Xác định được phương hướng, mục tiêu và các giải pháp trước mắt, lâu dài có tính khả thi, toàn diện để tháo gỡ các vướng mắc bất cập, để làm rõ khái niệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý tài chính, tài sản công; (v) Đề xuất các cơ chế cần thiết để bảo đảm thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật đối với hoạt động quản lý tài sản công như giải pháp bảo hiểm tài sản công; sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật có liên quan như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…
Bên cạnh việc đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đề tài, các thành viên Hội đồng cũng đưa ra một số gợi ý, trao đổi để Ban Chủ nhiệm tiếp tục hoàn thiện Đề tài. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệm thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài phát biểu tiếp thu giải trình các nội dung gợi ý của các thành viên Hội đồng. Tổng kết đánh giá chung, các thành viên Hội đồng cho rằng đây là một công trình nghiên cứu có chất lượng, có giá trị khoa học và thực tiễn, Hội đồng thống nhất đánh giá và chấm điểm Đề tài đạt 87/100 điểm và đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp tục hoàn thiện theo ý kiến của các thành viên Hội đồng và thực hiện nộp sản phẩm nghiệm thu hoàn chỉnh gửi Viện Chiến lược, chính sách tài chính đảm bảo thời hạn quy định./.
Vũ Minh Đức