Trao đổi kinh nghiệm về công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra

Trao đổi kinh nghiệm về công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra 22/12/2023 08:47:00 792

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Trao đổi kinh nghiệm về công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra

22/12/2023 08:47:00

Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra. Luật Thanh tra năm 2022 có rất nhiều điểm mới nổi bật, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của Luật Thanh tra năm 2010 và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra trong quản lý nhà nước. Một trong những điểm mới đó là quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, quy định này sẽ góp phần nâng cao chất lượng kết luận thanh tra và hiệu quả của cuộc thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2010 chưa quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ngày 01/10/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BTC quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn Thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, trong đó từ Điều 42 đến Điều 45 quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Nhưng do quy định mới chỉ dừng ở mức độ thông tư, nên chưa được thực hiện thống nhất, triệt để. Việc quy định thẩm định dự thảo kết luận thanh tra trong Luật Thanh tra năm 2022 sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các cơ quan thanh tra thực hiện thống nhất trong hoạt động thanh tra.

Theo quy định tại khoản 13 Điều 2 Luật Thanh tra năm 2022, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là việc xem xét, đánh giá để đưa ra nhận xét, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra. Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là một bước trong giai đoạn kết thúc cuộc thanh tra, được thực hiện sau khi xây dựng dự thảo kết luận thanh tra. Tại Điều 77 Luật Thanh tra năm 2022 quy định như sau:

“Điều 77. Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra

1. Dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.

2. Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra (sau đây gọi chung là người thực hiện thẩm định) để bảo đảm mục đích, yêu cầu và các nội dung theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt. Việc phân công thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung và thời hạn thẩm định.

3. Người thực hiện thẩm định có quyền yêu cầu Đoàn thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thẩm định; xây dựng báo cáo kết quả thẩm định và chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về kết quả thẩm định.

4. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo việc xem xét, tiếp thu ý kiến thẩm định và hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.”

Các quy định này là cơ sở để các cơ quan thanh tra thực hiện nghiêm các quy định chi tiết về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Các quy định cụ thể về việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra như sau:

Về người thực hiện thẩm định

Trong cơ quan thanh tra có bộ phận thẩm định chuyên trách thì bộ phận này chịu trách nhiệm thực hiện việc thẩm định toàn bộ nội dung dự thảo Kết luận thanh tra. Người ra quyết định thanh tra có thể giao cho một hoặc một số công chức trong đó có người thực hiện giám sát thực hiện việc thẩm định một hoặc một số nội dung của dự thảo Kết luận thanh tra, trong đó xác định rõ nội dung và thời hạn thẩm định.

Người thực hiện thẩm định phải có chuyên môn nghiệp vụ về nội dung cần thẩm định và không thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; (2) Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; (3) Người có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; (4) Người có vợ hoặc chông, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đâu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; (5) Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý ký luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (6) Người có hành vi vi phạm bị xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Thông tư số 06/2021/TT-BTC mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích.

Người thực hiện thẩm định có trách nhiệm tiến hành thẩm định, xây dựng Báo cáo kết quả thẩm định và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Người ra quyết định thanh tra về Báo cáo kết quả thẩm định.

Trong trường hợp cần thiết, Người ra quyết định thanh tra chỉ đạo việc tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức khác về một hoặc một số nội dung trong dự thảo Kết luận thanh tra.

Về tài liệu phục vụ việc thẩm định

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người ra quyết định thanh tra quyết định thực hiện việc thẩm định, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm bàn giao tài liệu phục vụ việc thẩm định. Tài liệu phục vụ việc thẩm định bao gồm: a) Quyết định thanh tra; b) Kế hoạch tiến hành thanh tra; c) Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra; d) Báo cáo kết quả giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; đ) Báo cáo, văn bản giải trình của đối tượng thanh tra (nếu có); e) Dự thảo kết luận thanh tra; g) Các biên bản làm việc và thông tin, tài liệu khác có liên quan.

Về tiến hành thẩm định

Sau khi tiếp nhận tài liệu phục vụ việc thẩm định, người thực hiện thẩm định nghiên cứu, xem xét để đưa ra ý kiến đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra; căn cứ pháp luật, thực tiễn, tính khả thi của những kiến nghị; mức độ phù hợp giữa các nội dung về kết quả thanh tra và kết luận, kiến nghị trong dự thảo kết luận thanh tra và những nội dung khác thấy cần thiết trong dự thảo kết luận thanh tra.

Trong trường hợp cần thiết, người thực hiện thẩm định làm việc trực tiếp với Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra để làm rõ thêm về nội dung của dự thảo kết luận thanh tra.

Kết thúc việc thẩm định, người thực hiện thẩm định phải có báo cáo kết quả thẩm định. Trong trường hợp việc thẩm định được giao cho nhiều người thì mỗi người thực hiện thẩm định phải có báo cáo kết quả thẩm định về nội dung được giao. Báo cáo kết quả thẩm định được gửi cho người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra để hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.

Về xử lý kết quả thẩm định

Căn cứ báo cáo kết quả thẩm định, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và gửi cho người ra quyết định thanh tra, người thực hiện thẩm định; trường hợp cần làm lõ ý kiến thẩm định thì báo cáo với người ra quyết định thanh tra để làm việc trực tiếp với người thực hiện thẩm định.

Trong trường hợp giữa người thực hiện thẩm định và Trưởng đoàn thanh tra có ý kiến khác nhau thì người ra quyết định thanh tra yêu cầu người thực hiện thẩm định và Trưởng đoàn thanh tra giải trình, làm rõ để xem xét, quyết định.

Như vậy, văn bản pháp luật về thanh tra đã quy định chi tiết về thủ tục thực hiện thẩm định dự thảo kết luận thanh tra để nâng cao chất lượng của các kết luận thanh tra hiện nay. Tuy nhiên, có một số vướng mắc khi triển khai thực hiện công tác này trong thực tế, cụ thể:

- Về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh:

Luật Thanh tra năm 2022 quy định việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP, khi nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra tổ chức việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra chính xác, khách quan. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của Đoàn thanh tra do thanh tra huyện, thanh tra sở tiến hành được thực hiện khi cần thiết.

Như vậy, Luật Thanh tra năm 2022 và Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định khác nhau về việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh.

- Về thời hạn thẩm định dự thảo kết luận thanh tra:

Luật Thanh tra năm 2022 quy định việc phân công thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung và thời hạn thẩm định. Thông tư số 06/2021/TT-TTCP chỉ quy định về thời hạn Trưởng đoàn thanh tra bàn giao tài liệu cho người thực hiện thẩm định là 03 ngày làm việc kể từ ngày người ra quyết định thanh tra quyết định thực hiện việc thẩm định, kết thúc việc thẩm định, người thực hiện thẩm định phải có báo cáo kết quả thẩm định. Như vậy, văn bản pháp luật về thanh tra hiện hành chưa có quy định cụ thể về thời hạn thẩm định.

Khoản 1 Điều 46 Thông tư số 06/2021/TT-BTC quy định căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, báo cáo kết quả thẩm định và ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra, ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Báo cáo kết quả thẩm định là một trong những căn cứ quan trọng để người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra.

Việc không quy định về thời hạn thẩm định dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các cơ quan thanh tra và ảnh hưởng đến tiến độ ban hành kết luận thanh tra của người ra quyết định thanh tra.

- Về tài liệu phục vụ thẩm định:

Điều 43 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP đã quy định về tài liệu, thời hạn cung cấp tài liệu phục vụ thẩm định, tuy nhiên, nếu Trưởng đoàn thanh tra không cung cấp đầy đủ kịp thời các tài liệu này thì người thực hiện thẩm định rất khó đưa ra nhận xét, đánh giá chính xác, khách quan về nội dự thảo kết luận thanh tra. Việc chờ cung cấp đủ tài liệu thẩm định sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định và tiến độ ban hành kết luận thanh tra.

- Về người thực hiện thẩm định dự thảo kết luận thanh tra:

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người thực hiện thẩm định là yếu tố quyết định đến chất lượng thẩm định, do đó phải lựa chọn người am hiểu nghiệp vụ và chuyên môn sâu về nội dung thẩm định. Đối với những cơ quan thanh tra chưa có bộ phận thẩm định chuyên trách thì sẽ khó khăn khi lựa chọn người thực hiện thẩm định vì những người này thường được lựa chọn tham gia các đoàn thanh tra. Năng lực, trình độ của người thực hiện thẩm định còn hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động này.

Từ những vướng mắc trên, để công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phát huy vai trò và hiệu quả, cần hoàn thiện pháp luật về thẩm định, nâng cao năng lực, trình độ của người thực hiện thẩm định, nâng cao nhận thức của những người khác có liên quan đến việc thực hiện thẩm định./.

 Đỗ Việt Hùng 

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%