Việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Tài chính và đề xuất kiến nghị

Việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Tài chính và đề xuất kiến nghị 22/12/2023 10:38:00 385

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Tài chính và đề xuất kiến nghị

22/12/2023 10:38:00

Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ ban hành đến nay đã được 06 năm. Việc thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg đã có tác dụng lớn trong việc giải quyết chồng chéo, trùng lắp nội dung thanh tra giữa hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước với hoạt động thanh tra của các cơ quan Thanh tra (Thanh tra Bộ, Thanh tra Tỉnh, cơ quan thanh tra chuyên ngành). Thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ từ Thanh tra Bộ đến các Tổng cục, Cục thực hiện thanh tra chuyên ngành, các đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉnh, đạt được những kết quả, hiệu quả tương đối tốt trong hoạt động thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành, cụ thể:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 9179/BTC-TTr ngày 11/7/2017 yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ quán triệt, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Qua đó đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Bộ Tài chính thường xuyên yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ được giao chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền, tập trung thực hiện tốt các nội dung và đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg bằng các hình thức như ban hành văn bản hướng dẫn, đăng tải trên cổng thông tin điện tử, kết hợp tuyên truyền, phổ biến trong hội nghị, hội thảo, các cuộc họp chuyên môn. Đồng thời chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra, kiểm tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định của Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra, Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ.

Các đơn vị trong ngành Tài chính cũng đã nghiêm túc thực hiện phổ biến, quán triệt các nội dung Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 9179/BTC-TTr ngày 11/7/2017 của Bộ Tài chính đến đơn vị, cán bộ công chức: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ được giao chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Các đơn vị có trách nhiệm rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra của mình đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị nêu trên; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra và báo cáo về Bộ Tài chính (qua Thanh tra Bộ). Đối với  các trường hợp chồng chéo trong kế hoạch thanh tra thuộc ngành tài chính tại đối tượng thanh tra thực hiện theo đúng nguyên tắc và thẩm quyền được quy định tại Điều 15, Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành tài chính. Định kỳ hàng quý (trước ngày 20 tháng cuối mỗi quý), các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài chính (qua Thanh tra Bộ) để tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ.”

Các đơn vị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm…hàng năm đã có các công văn chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp theo nội dung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg và theo chỉ đạo tại Công văn số 9179/BTC-TTr ngày 11/7/2017 của Bộ Tài chính.

Những kết quả đạt được qua thực hiện Chỉ thị số 20/2017/CT-TTg

(1) Việc tuân thủ Định hướng chương trình thanh tra trong xây dựng và ban hành Kế hoạch thanh tra

Việc xây dựng định hướng kế hoạch thanh tra đã được Bộ Tài chính chỉ đạo xuyên suốt trong toàn hệ thống thanh tra tài chính từ Thanh tra Bộ Tài chính đến các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành như: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cục Quản lý giám sát bảo hiểm...). Trong thời gian thực hiện Chỉ thị, Bộ Tài chính đã ban hành 06 văn bản định hướng, hướng dẫn kế hoạch thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính (Công văn số 13583/BTC-TTr ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2018; Công văn số 13185/BTC-TTr ngày 26/10/2018 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2019; Công văn số 13288/BTC-TTr ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2020; Công văn số 12997/BTC-TTr ngày 22/10/2020 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021; Công văn số 12897/BTC-TTr ngày 22/10/2021 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2022; Công văn số 10039/BTC-TTr ngày 03/10/2022 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023). Các đơn vị trong toàn ngành căn cứ vào định hướng thanh tra, kiểm tra để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra của đơn vị mình, cũng như quán triệt, hướng dẫn đơn vị cấp dưới thực hiện theo đúng chỉ đạo trong toàn ngành. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo đúng quy định tại Điều 36 Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010, không phát sinh trường hợp phê duyệt chậm.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra phát hiện có chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra hoặc khi có sự chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ.

(2) Công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra và giữa các cơ quan thanh tra với Kiểm toán nhà nước và với cơ quan khác trong việc xây dựng và ban hành kế hoạch thanh tra

Căn cứ nguyên tắc hoạt động Thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra số 56/2010/QH12: “không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra”, Bộ Tài chính luôn quan tâm đến việc theo dõi, phối hợp để xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngay từ bước xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kiểm tra hàng năm;

Trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính đã chủ động đối chiếu, rà soát với kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ và trao đổi với thanh tra các Bộ, ngành trước khi ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính và của các đơn vị thuộc Bộ để tránh chồng chéo ngay từ khi xây dựng kế hoạch.

(3) Việc xử lý chồng chéo trong việc thực hiện Kế hoạch thanh tra và trong hoạt động thanh tra

Việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được Bộ Tài chính quan tâm, giải quyết ngay từ khi lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, vì vậy đã hạn chế tối đa việc chồng chéo trong việc thực hiện kế hoạch thanh tra. Trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong ngành được giao chức năng thanh tra, kiểm tra rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra; thường xuyên có biện pháp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thanh tra kiểm tra để kịp thời phát hiện xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra và báo cáo về Bộ Tài chính (qua Thanh tra Bộ) để xử lý theo đúng nguyên tắc và thẩm quyền được quy định.

Hàng năm trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra nói chung và đối với các doanh nghiệp nói riêng, các đơn vị đã trình cơ quan có thẩm quyền cấp trên điều chỉnh kế hoạch do có sự trùng lặp, chồng chéo...Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra vẫn còn có trường hợp chồng chéo với kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, do kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước chỉ nêu chung tên đối tượng là các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty mẹ nhưng khi triển khai thực hiện, kiểm toán tại các Công ty con thuộc Tập đoàn, Tổng công ty nên có sự chồng chéo; ngoài ra trong quá trình kiểm toán thu ngân sách của Kiểm toán Nhà nước đối với ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc TW, có mời doanh nghiệp trên địa bàn lên làm việc để đối chiếu xác minh, yêu cầu cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến kê khai thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN, cũng ảnh hưởng đến kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thuế địa phương và doanh nghiệp hiểu sai về việc đã thanh tra, kiểm tra nhiều hơn 01 lần/năm. Còn có trường hợp kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các Cục Thuế bị chồng chéo với kế hoạch thanh tra Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Tài chính gồm nhiều Tổng cục, Cục thực hiện công tác quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực, do vậy có nhiều cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành riêng như: Tổng cục Thuế (Thanh tra Tổng cục; Cục Thuế; Chi cục Thuế); Tổng cục Hải quan (Thanh tra Tổng cục; Cục Kiểm tra sau thông quan; các Cục Hải quan có phòng Thanh tra, Chi cục Kiểm tra sau thông quan); Uỷ ban chứng khoán Nhà nước; Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm; Cục Quản lý kế toán, kiểm toán... xét về nội dung thanh tra, kiểm tra thì việc thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp hầu hết không có sự trùng lặp, chồng chéo trong ngành Tài chính. Trường hợp có nội dung thanh tra, kiểm tra trùng lặp thì đều được kế thừa kết quả thanh tra, kiểm tra trước.

(4) Kết quả thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp từ năm 2017 đến ngày 30/6/2023

Từ khi thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg đến nay, Thanh tra Bộ Tài chính và các cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành của Bộ Tài chính đã thực hiện 587.666 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Trong đó thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch 551.700 cuộc; thanh tra, kiểm tra đột xuất 35.908 cuộc chủ yếu là các cuộc thanh tra, kiểm tra trước hoàn thuế (kiểm tra trước, hoàn thuế sau) theo quy định của Luật Quản lý thuế hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Theo báo cáo của các đơn vị trong ngành, từ năm 2017 đến ngày 30/6/2023, kết quả xử lý vi phạm về tài chính phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp là 434.039 tỷ đồng (trong đó kiến nghị truy thu, xử phạt nộp NSNN là 119.966 tỷ đồng).

Tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện Chỉ thị

Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành đã giảm thiểu các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên việc xử lý vấn đề về trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra lúc đầu còn lúng túng, còn ít nhiều có sự chồng chéo giữa các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các đơn vị trong Bộ với kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, kế hoạch thanh tra của các Bộ khác, kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh.

Nội dung Chỉ thị nêu “Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01lần/năm đối với doanh nghiệp”, được doanh nghiệp hiểu là trong năm chỉ được tối đa không quá 01 lần thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng hoạt động của doanh nghiệp thực hiện theo pháp luật quy định, bị điều chỉnh bởi một hoặc nhiều pháp luật khác nhau, dẫn đến chịu sự quản lý của một hay nhiều ngành. Do vậy sẽ có doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra hơn 01 lần/trong năm nhưng nội dung thanh tra, kiểm tra là khác nhau.

Kiến nghị và đề xuất

Theo Khoản 1 Điều 55 của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022 quy định: “Khi tiến hành hoạt động thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan Kiểm toán Nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật này, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan Kiểm toán Nhà nước”. Do vậy để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15, đề nghị Cơ quan tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Chỉ chị số 20/CT-TTg ngày 17/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phù hợp với quy định của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 được Quốc hội ban hành ngày 14/11/2022.

Trên đây là một số nội dung về tình hình thực hiện Chỉ thị số 20/2017/CT-TTg ngày 17/05/2017 của Bộ Tài

Ngô Đăng Khoa  

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%