Ngày 22/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2024 của Thanh tra Bộ tại Quyết định số 2626/QĐ-BTC. Các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã kịp thời xây dựng kế hoạch, từng bước triển khai có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong quý I/2024.
Ngay quý I/2024, Bộ Tài chính tích cực tham gia sửa đổi, bổ sung, đồng thời tiến hành rà soát và ban hành 21 văn bản mới hướng dẫn về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; bãi bỏ 01 văn bản hướng dẫn, quản lý, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các quy định trong công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; tổ chức 02 lớp tập huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng được tổ chức với tổng số 150 người tham gia.
Bộ Tài chính đã yêu cầu và quán triệt các đơn vị được giao chức năng thanh tra, kiểm tra luôn bám sát và nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng, triển khai nhiệm vụ công tác; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại, lĩnh vực nhạy cảm, cấp thiết, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Các đơn vị trong ngành tài chính đã tích cực triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ; đồng thời triển khai và thực hiện định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2024 theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tránh dàn trải. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhất là nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra.
Bộ Tài chính luôn quan tâm đến việc theo dõi, phối hợp để xử lý tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngay từ bước xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kiểm tra hàng năm; trước khi ban hành kế hoạch thanh tra của ngành, của các đơn vị, Bộ Tài chính đều tổ chức rà soát với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các Bộ, ngành và giữa các đơn vị trong ngành với nhau để rà soát, tránh chồng chéo, trùng lặp ngay từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm.
Trong quý I/2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 14.623 cuộc thanh tra, kiểm tra (theo kế hoạch là 14.504 cuộc; đột xuất 119 cuộc); tiến hành kiểm tra 185.352 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 2.475 vụ. Qua thanh tra, kiểm tra kiến nghị xử lý tài chính 14.630.513 triệu đồng, trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp NSNN 3.674.975 triệu đồng, nộp đơn vị tổ chức 7 triệu đồng; kiến nghị tài chính khác (bao gồm giảm trừ dự toán, giảm trừ thanh quyết toán, giảm lỗ và giảm khấu trừ) 10.955.532 triệu đồng; ban hành 12.857 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 941.262 triệu đồng; tiến hành khởi tố 03 vụ vi phạm và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 18 vụ vi phạm.
Các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện kiến nghị với tổng số tiền là 2.601.904 triệu đồng (trong đó: Thu nộp NSNN 2.601.889 triệu đồng, thu về tổ chức đơn vị 15 triệu đồng), xử phạt vi phạm hành chính là 69.883 triệu đồng) và xử lý tài chính khác 152,4 triệu đồng. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp NSNN và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm, giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị; đồng thời kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.
Riêng Thanh tra Bộ Tài chính, trong quý I/2024 đã lưu hành 02 kết luận thanh tra hành chính từ năm trước chuyển sang tại 02 đơn vị. Qua thanh tra hành chính đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp NSNN 8.721 triệu đồng, trong đó: Kiến nghị nộp NSNN 5.863 triệu đồng; xử lý khác về kinh tế 2.859 triệu đồng. Đồng thời, cũng tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành. Kết quả, trong Quý I/2024, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 185 cuộc kiểm tra nội bộ, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị thu nộp NSNN 25,4 triệu đồng, số tiền đã thu nộp NSNN là 25,4 triệu đồng; đồng thời kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kiểm điểm trách nhiệm theo quy định.
Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thới gian tới
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong quý II/2024 và thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ sau:
Triển khai có hiệu quả, nghiêm túc, quyết liệt Kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được Bộ Trưởng Bộ Tài chính phê duyệt và các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất được giao.
Thường xuyên bám sát, nắm bắt thông tin các đối tượng thanh tra, kiểm tra để tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 đã được phê duyệt; đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Đảm bảo hoạt động giám sát Đoàn thanh tra theo đúng quy định của của Thanh tra Chính phủ để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
Tăng cường theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, thực hiện các kết luận thanh tra, thực hiện quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.
Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước... nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện.
Tăng cường công khai, minh bạch hoạt động thanh tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra;
Tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành; tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng qua đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính.
Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; Duy trì và triển khai thường xuyên công tác tập huấn nghiệp vụ thanh tra tài chính cho cán bộ công chức trong cơ quan Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành tài chính.
Bám sát các hoạt động thanh tra kiểm tra của các đơn vị được giao chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, tham gia ý kiến để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; phối hợp rà soát, kịp thời điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp.
Tổ chức hướng dẫn triển khai Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện trong toàn ngành.