Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, cụ thể tại Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử; Công điện số 1284/CĐ-TTg ngày 01/12/2023 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Tài chính đã có các giải pháp để triển khai như là: Ban hành Công văn số 13348/BTC-TCT ngày 04/12/2023 gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công văn số 2075/BTC-TCT ngày 28/02/2024 gửi các Bộ, ngành liên quan (Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) đề nghị quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính trong công tác triển khai HĐĐT đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, xăng dầu.
Song song với đó, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành 08 công văn chỉ đạo Cục Thuế địa phương, tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc yêu cầu 63 Cục Thuế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy triển khai phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Đồng thời, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã họp với các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội kinh doanh xăng dầu, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, doanh nghiệp cung cấp giải pháp để trao đổi, phân tích những yếu tố thuận lợi, khó khăn, những nguyên nhân khách quan và chủ quan, đề xuất các giải pháp cụ thể của các đơn vị để thực hiện thành công việc phát hành HĐĐT từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc.
Đặc biệt là Cục Thuế đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo và chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: (i) Đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người nộp thuế quy định pháp luật về HĐĐT, các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa; (ii) Tổ chức hội nghị trao đổi, làm việc giữa các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, doanh nghiệp cung cấp giải pháp để chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận giải pháp hiệu quả để các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu nghiên cứu, thực hiện. (iii)Thành lập các đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu, nắm bắt thực trạng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể gắn với từng địa bàn, doanh nghiệp, cửa hàng; (iv)Tại cơ quan thuế, thực hiện phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu đến từng cán bộ, công chức, làm việc trực tiếp với từng cửa hàng bán lẻ xăng dầu, giới thiệu doanh nghiệp cung cấp giải pháp để cửa hàng nghiên cứu, lựa chọn, triển khai thực hiện; Gắn trách nhiệm kiểm tra, giám sát thực hiện với việc bình xét thi đua;…
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, trực tiếp hỗ trợ đến từng cửa hàng của các cơ quan liên quan tại địa phương, phần lớn các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đều nhận thức được trách nhiệm và nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng quy định về hóa đơn, chứng từ tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 31/03/2024, toàn quốc đã có 15.929/15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, đạt trên 99,96% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu;
Tuy nhiên, trong thời gian đầu triển khai cũng có những khó khăn liên quan đến việc các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phát sinh thêm chi phí đầu tư, thói quen tiêu dùng của người dân không lấy hóa đơn khi mua hàng, thói quen xuất hóa đơn tổng vào cuối ngày của các cửa hàng, các đơn vị cung cấp thiết bị vật tư ngành xăng dầu còn hạn chế trong khi nhu cầu tăng cao đột biến trong thời gian ngắn; quá trình kiểm định lại hoặc phê duyệt mẫu cột đo xăng dầu của cơ quan chức năng cần thời gian để thực hiện;… Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có tâm lý nghe ngóng, trì hoãn trong thực hiện.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cùng với các giải pháp triển khai mạnh mẽ của Bộ Tài chính, sau gần 04 tháng triển khai, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng hành của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, sự chủ động, quyết tâm của các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đến nay cơ bản các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.
Theo đó, ngày 03/4/2024 Bộ Tài chính đã có công văn số 3540/BTC-TCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Qua báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu của Việt Nam được thực hiện thông qua khoảng gần 16.000 cửa hàng bán lẻ, bao gồm: (i) trên 6.700 cửa hàng của 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, chiếm 41,9% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu cả nước (số cửa hàng của các doanh nghiệp đầu mối có vốn nhà nước2 trên 3.600 cửa hàng, chiếm khoảng 22,6%); (ii) gần 9.300 cửa hàng của các thương nhân phân phối xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu khoảng, chiếm 58,1%. Như vậy, thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1123/CĐTTg ngày 18/11/2023 chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT, mới chỉ có 2.700 cửa hàng thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng. Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khác mặc dù đã thực hiện phát hành HĐĐT nhưng chưa thực hiện được việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Trước đó, Tổng cục Thuế đã có công văn số 837/TCT-DNL ngày 06/3/2024 đề nghị các Đồng chí Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt triển khai thực hiện hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Tổng hợp báo cáo từ các Cục Thuế cho thấy, đến ngày 06/03/2024, toàn quốc mới có 8.285 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT từng lần bán hàng, đạt khoảng 52,2% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Vẫn còn 30/63 địa phương có tiến độ đạt dưới 50%, cá biệt vẫn còn 17/63 địa phương đạt tiến độ dưới 30%. Một số địa phương có số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu lớn như: Tiền Giang (560 cửa hàng), TP Hồ Chí Minh (549 cửa hàng), Nghệ An (527 cửa hàng), Đồng Tháp (457 cửa hàng), Kiên Giang (444 cửa hàng), Cà Mau (359 cửa hàng), Đồng Nai (339 cửa hàng), Bình Định (322 cửa hàng)..., đối với các Cục Thuế có tiến độ triển khai đạt thấp, một trong các nguyên nhân chính là do các đồng chí chưa đánh giá đúng tầm quan trọng, chưa trực tiếp vào cuộc chỉ đạo quyết liệt cơ quan thuế tại địa phương, chưa có sự phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, từng cán bộ công chức quản lý doanh nghiệp, chưa thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác tại Cục Thuế để triển khai việc phát hành HĐĐT từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định của Nghị định số 123/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Để đạt được kết quả nêu trên, Tổng cục Thuế yêu cầu đồng chí Cục trưởng Cục Thuế, đặc biệt là đồng chí Cục trưởng tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện lập HĐĐT từng lần bán hàng còn thấp trực tiếp, quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về HĐĐT, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mà Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo, phân công, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ phận, cán bộ công chức của Cục Thuế để nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, tăng cường hơn nữa năng lực giám sát và kịp thời hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thành công việc phát hành HĐĐT từng lần bán hàng tại các cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.\
Cục Thuế chủ động thành lập các đoàn kiểm tra hoặc tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu việc thực hiện HĐĐT và kết nối dữ liệu về cơ quan thuế theo quy định của Nghị định số 123/NĐ-CP, tiến hành xử phạt theo quy định pháp luật đối với các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện. Đồng thời, căn cứ thực tế tại địa phương, Cục Thuế chủ động tham mưu UBND chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 31/3/2024 không thực hiện đúng quy định về HĐĐT tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Để quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu được thực hiện thống nhất, xuyên suốt và đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất với Thủ Tướng Chính phủ cụ thể:
Căn cứ quy định pháp luật về HĐĐT và thực tế thực hiện HĐĐT theo từng lần bán hàng của các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, trong thời gian tiếp theo Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện kiểm soát, giám sát, kiểm tra việc lập HĐĐT từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán 5 lẻ xăng dầu; chủ động phối hợp với cơ quan, ban, ngành tại địa phương thành lập các đoàn công tác liên ngành thực hiện kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh xăng dầu nói chung và việc thực hiện quy định về lập HĐĐT nói riêng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ; xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng quy định doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải thực hiện truyền dữ liệu HĐĐT về cơ quan thuế theo từng lần bán hàng (thay vì truyền bảng tổng hợp theo mặt hàng vào cuối ngày như hiện nay).
Để phát huy hiệu quả của HĐĐT đối với kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cần sự phối hợp triển khai của các Bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu nói riêng và sử dụng định mã số định danh (số điện thoại trên tài khoản định danh điện tử hoặc mã số định danh cá nhân theo quy định pháp luật về định danh và xác thực điện tử) khi thực hiện mua hàng hóa, qua đó tạo thuận lợi cho người tiêu dùng (bao gồm khách hàng cá nhân) khi có nhu cầu lấy hóa đơn bán lẻ xăng dầu./.